Cuộc đời vất vả của cha đẻ "Bếp không khói" Bếp_Hoàng_Cầm

Sau 16 năm phục vụ trong quân đội, Hoàng Cầm được phục viên khi đang giữ cấp bậc đại uý. Về làng Đồi Mây, Tam Đảo là quê ngoại của Hoàng Cầm. Về quê, ngày ngày vợ chồng ông lên đồi phát cỏ, cuốc đất trồng chè, sắn. Đất ở đây đá sỏi, bạc màu, làm lụng vất vả nhưng cuộc sống dân làng và gia đình ông quanh năm vẫn nghèo đói. Nhưng cái đói không trói nổi ông, ngay trong những năm sáu mươi, Hoàng Cầm đã xoay xở, tìm cách làm kinh tế để tự cứu mình và cứu dân làng. Ông chuyển sang làm que kem bán cho các cơ sở sản xuất ở Hà NộiVĩnh Yên để kiếm sống. Bán kem que, ngày ngày phải lang thang khắp đây đó tìm nơi tiêu thụ rất vất vả. Sau ba năm bán que kem thu nhập thất thường, Hoàng Cầm lại chuyển sang mở xưởng nấu nước chấm (nước mari) và làm miến đao. Làm nước chấmmiến thu nhập tạm ổn, cuộc sống gia đình ông đã vượt qua những ngày đói kém.

Vợ Hoàng Cầm đau yếu luôn nên tất tật công việc nặng nhọc trong nhà đều dồn lên vai ông. Phải lao động quần quật, ông mới nuôi nổi năm miệng ăn. Khi người con trai duy nhất của vợ chồng ông là Hoàng Thư khôn lớn, những tưởng Thư sẽ gánh vác công việc nặng nhọc để bố đỡ vất vả, nhưng năm đó, cuộc kháng chiến chống đang khốc liệt, ông Hoàng Cầm đã động viên con trai lên đường xung trận. Trước ngày nhập ngũ, ông dặn con cứ yên tâm đi, bố tuy sức yếu rồi nhưng vẫn cố gắng làm lụng để nuôi mẹ và các em con được, chiến trường đánh chắc chắn sẽ ác liệt hơn thời đánh Pháp … Con trai ra đi một lèo cho đến ngày giải phóng miền Nam, ông ở nhà vật lộn với cuộc sống gian nan giữa vùng quê nghèo đó i của thời kì bao cấp.

Tuổi cao, ngày càng yếu, Hoàng Cầm không còn đủ sức làm xì dầu, miến đao nữa, ông tìm lên một ngôi đền thờ Đức Thánh Trần trên núi Tam Đảo, phục vụ đèn nhang, hương khói, quét dọn và trông coi đền. Gặp những người dân sinh sống quanh đền, họ kể, ngày ngày ông dậy từ tinh mơ, quét dọn, nhặt cỏ, tưới cây, lau bệ Phật, sắp hương, nến để người thập phương lên tham quan, nhang khói Đức Thánh. Không phải nhà sư tu hành chính quả, nhưng cái tâm của ông với ngôi đền, với dân làng khiến ai lui tới cũng đều kính nể. Họ gọi ông với những cái tên thân thuộc như: Hoàng Cầm giữ đền, ông từ Cầm... Chị Hoàng Thị Định, con gái ông Hoàng Cầm hiện ở thị trấn Tam Đảo kể với chúng tôi: “Một hôm tôi lên đền giúp đỡ bố, gần trưa có đoàn cán bộ từ Hà Nội lên Tam Đảo tham quan và vào thắp hương Đức Thánh Trần, có ông cán bộ ăn mặc chỉnh tề, đầu đội phớt, đeo kính trắng, sau khi thắp hương, quay ra cứ chằm chằm nhìn bố tôi. Lúc đó bố tôi đang mải quét khô dưới gốc cây đại. Ông cán bộ bỗng kêu lên: Anh Cầm hả? Ông cán bộ tháo kính ra, cái chổi trên tay bố tôi rơi xuống đất, hai người ôm chặt lấy nhau. Sao anh lại ở đây, anh Cầm? Rồi ông quay ra giới thiệu với những người cùng đi: Đây là anh Hoàng Cầm, bạn cùng đơn vị với tôi, người chế tạo ra bếp Hoàng Cầm nổi tiếng thời chống Pháp đấy. Mọi người vây quanh, hình như họ đều đã từng nghe tiếng cái bếp Hoàng Cầm của bố tôi. Có người đi bộ đội từng nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, được thấy tác giả chế tạo ra cái bếp nổi tiếng, họ chăm chú nhìn bố tôi vẻ thán phục. Ông cán bộ buông bố tôi ra hỏi: Anh ở đền này lâu chưa? Hơn chục năm rồi - Bố tôi nói. Ông ta tròn mắt: Sao anh không chuyển ngành hay đi làm một nghề gì đó mà lại ở chùa ? Tôi đã làm nhiều nghề rồi. Giờ đây sức yếu, ở đền cái tâm mình nó tĩnh tại, tôi thấy khỏe ra. Ông cán bộ nói: Anh hay thật, người ta mong có thành tích xuất sắc để được làm quan, có tiền, có chức, anh lại vào chùa để được hưởng tĩnh tâm. Và ông ta quả quyết: Không. Người “vĩ đại” như anh, người “đẻ” ra bếp Hoàng Cầm cho anh nuôi toàn quân không thể đi quét chùa. Về Hà Nội, tôi sẽ xin cho anh công việc khác. Bố tôi lắc đầu: Cảm ơn anh. Ước nguyện của tôi giờ chỉ mong mình sống khỏe mạnh. Làm được việc gì có ích cho dân, cho nước thì tôi làm. Bố tôi bảo, ông bạn gặp bố tôi hôm đó là cán bộ cấp Vụ trưởng. Về sau không thấy ông ta liên lạc lại, tôi nói hay ông ấy quên bố, bố tôi bảo, ông ấy làm lãnh đạo công việc bận chứ ông không quên đâu vì ngày ở đơn vị hai người rất thân nhau mà”.

Mười lăm năm hương khói trên cõi “niết bàn”, tuổi cao, đau yếu luôn, ông Hoàng Cầm không còn đủ sức coi đền Đức Thánh Trần núi Tam Đảo nữa. Lộc Thánh và sự giúp đỡ của địa phương cũng không cưu mang nổi ông lúc cuối đời. Ông về Hà Nội nương nhờ người con trai Hoàng Thư. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường B3, Thư xuất ngũ về học sư phạm rồi làm giáo viên trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội. Đồng lương giáo viên ít ỏi, phải nuôi vợ không việc làm cùng con nhỏ và người bố già bệnh tật, hoàn cảnh gia đình Hoàng Thư thật khốn khó. Thương con, ông Hoàng Cầm không muốn mình thành gánh nặng cho con nhưng chẳng còn cách nào. Cuộc sống kéo dài ngày một chồng chất khó khăn, ông đành viết một lá đơn đề nghị cấp trên cứu giúp. Nhưng vốn là người chỉ biết tự lực vượt khó, không bao giờ đòi hỏi kêu ca nên viết xong, ông ngần ngại rồi lại xé đi. Một người bạn của Hoàng Cầm khuyên: “Cái chất trong con người ông là chất Hoàng Cầm. Nhưng Hoàng Cầm cũng là con người. Mình hoạn nạn, mình kêu, đấy mới là con người”.

Nghe lời bạn, cộng với gia cảnh bức thúc quá, nên lá đơn thứ 2 đề ngày 15/3/1994 của Hoàng Cầm có đoạn: “... Cả gia đình tôi bốn bố con, ông cháu ở nhà một “mái vẩy” 9m2 của trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng cho mượn. Tôi không biết nằm dọc, nằm nghiêng, ngửa thế nào cho tiện. Các cháu học sinh của con tôi, bạn bè, đồng đội đến thăm khi đau yếu, thật ái ngại, xin ngồi xuống đất. Lúc ốm chìa tay bấu đồng lương ít ỏi của con để mua thuốc, thật không đành. Cực chẳng đã, có lần tôi chống gậy đến một bệnh viện khám bệnh và xin thuốc, một nhân viên phòng khám bảo: Bác phải có sổ, có giấy tờ, chế độ mới được khám cấp thuốc. Tôi trình bày, tôi là Hoàng Cầm, bộ đội phục viên ở với con nên không có giấy tờ gì. Họ nói: Một Hoàng Cầm chứ mười Hoàng Cầm cũng vậy thôi. Tôi viết lá đơn này đề nghị cấp trên xét cấp cho tôi một cái sổ khám bệnh, một tiêu chuẩn nhà đất như hàng vạn người khó khăn khác để ổn định sức khoẻ đoạn đời còn lại. Năm nay tôi đã 81 tuổi. Để khỏi có lúc chợt nghĩ “nếu có mệnh hệ nào” tôi không muốn nằm tại 9m2 nhà đi mượn cho con cháu khỏi phiền lòng...”. Nỗi lòng ấy âu cũng là cái chất rất con người trong Hoàng Cầm. Và chính nó đã làm nên một Hoàng Cầm chân thật và cao thượng, làm rung động trái tim của không ít người.

Lời thỉnh cầu của ông đã được những người làm chính sách hết lòng giúp đỡ. Khi tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Cục trưởng Cục Quản lí Hành chính Bộ Tổng tham mưu, hiện sống tại phường 2, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, ông kể lại: - Ngày ấy, nhận được đơn và ý kiến của cấp trên, chỉ trong một tuần lễ, chúng tôi đã lo chu tất cho ông Hoàng Cầm. Đã giải quyết cho ông một căn nhà 43m2 ở khu tập thể 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội, một quyển sổ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quân đội và tạo việc làm cho người con dâu của ông là chị Minh, vợ anh Hoàng Thư vào giữ trẻ tại cơ quan. Nhưng ông Hoàng Cầm hưởng cuộc sống đầm ấm trong căn nhà mới được gần ba năm thì đi theo tiên tổ. Ra đi, ông để lại cho đời một công trình vô giá. Dẫu mai này, có thể người ta lại quên cái tên người chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm nhưng bếp Hoàng Cầm của ông, cái bếp đã đi vào lịch sử hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, sẽ là cái bếp huyền thoại trong lòng tất cả mọi người.